Phân bón hữu cơ lại có vai trò cải thiện kết cấu đất, làm đất tơi xốp, giảm chua, tăng lượng muối khoáng, chất vi lượng, tăng cường côn trùng và vi sinh vật có ích trong đất. Hiện nay, nhiều nông hộ đã biết đến điều này và đã sử dụng thêm nhiều phân hữu cơ đặc biệt là các loại phân chuồng, phân rác thải tự ủ nhưng việc sử dụng phân hữu cơ chưa đạt hiệu quả tối ưu do chủ yếu bón khi chưa ủ hoai mục hoặc ủ nhưng không đảm bảo quy trình kỹ thuật làm thất thoát các chất dinh dưỡng đặc biệt là chất đạm trong quá trình phân hủy, ủ phân.
Mỗi năm huyện Hướng Hoá sản xuất tầm khoản 50.000 tấn cà phê quả tươi, lượng vỏ thải ra trong quá trình sản xuất vô cùng lớn, hàng năm sau mùa thu hoạch có một lượng rất lớn phụ phế phẩm là vỏ cà phê. Phần lớn vỏ cà phê được vứt bỏ vung vãi ven lề đường để cho nước cuốn trôi khi đến mùa mưa hoặc đem đốt. Một số ít được tái sử dụng như đem bỏ vào gốc cà phê hoặc trộn chung mới một số loại phân chuồng rồi đem bón cho cây. Trong vỏ cà phê chứa một lượng lớn Cenlulose và Lignin là những hợp chất hữu cơ khó phân hủy trong điều kiện bình thường nên việc sử dụng vỏ cà phê chưa ủ hoai làm phân bón cho cây trồng không những cây không hấp thu được chất dinh dưỡng mà còn gia tăng khả năng phát tán nhiều mầm bệnh. Trong khi đó hàm lượng dinh dưỡng trong vỏ cà phê là rất lớn 25 – 30% chất hữu cơ; 1,8 – 2% N; 0,18 – 0,22% P2O5; 3 – 3,5% K2O và nhiều nguyên tố trung, vi lượng thiết yếu như Ca, Mg, S, Zn, B, …. Do đó, việc không xử lý đúng cách hoặc không sử dụng vỏ cà phê gây lãng phí dinh dưỡng, ô nhiễm môi trường và phát tán mầm bệnh cho vụ cà phê năm sau.
Trong một vài năm gần đây, được sự nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ, việc sử dụng vỏ cà phê làm phân bón vi sinh đã được nhiều nông hộ và trang trại ứng dụng tự sản xuấ phân bón vi sinh bằng vỏ cà phê để phục vụ cho việc dùng phân bón chăm sóc cây trồng, cải tạo dinh dưỡng cho đất hướng tới việc canh tác nông nghiệp bền vững. Có nhiều loại chế phẩm vi sinh dùng để ủ vỏ cây phê, tuy nhiên bà con cần lựa chọn sản phẩm của nhà sản xuất có uy tín và chất lượng để sử dụng. Trong bài viết này, xin gửi tới các bạn biện pháp cải tiến trong quá trình sử dụng nấm Trichoderma để xử lý vỏ cà phê làm phân hữu cơ vi sinh.
Nấm Trichoderma được chứng minh là nguồn vi sinh vật sống tuyệt vời trong sản xuất nông nghiệp bởi khả năng phân hủy xác bã thực vật trong đó có vỏ cà phê, khả năng đối kháng tiêu diệt nấm bệnh hại rễ có trong đất. Ngoài ra, nấm Trichoderma còn có khả năng kích thích sự phát triển hệ rễ của cây trồng. Do đó, việc sử dụng chế phẩm nấm Trichoderma để ủ phân hữu cơ giúp phân giải nhanh các chất hữu cơ thành dạng dễ tiêu, cung cấp dinh dưỡng cho cây, phòng một số nấm bệnh gây hại cho cây trồng, tăng cường hệ vi sinh vật có ích trong đất. Đây là một trong những giải pháp tiết kiệm đáng kể, giúp bà con vừa giảm chi phí trong sản xuất, vừa tạo ra nguồn phân hữu cơ cung cấp cho đất, cải tạo đất cực kỳ hiệu quả.
Giá trị dinh dưỡng của phân bón vỏ cà phê :
- Sẽ diệt sạch mầm sâu bệnh, hạt cỏ dại.
- Giải quyết vấn nạn ô nhiễm môi trường.
- Cung cấp dinh dưỡng, hữu cơ cho đất.
- Củng cố hệ vi sinh vật hữu ích trong đất.
- Nâng cao độ phì đất, cải thiện bộ rễ cây.
- Tăng hiệu quả phân khoáng, nước tưới.
- Ủ dễ dàng, dùng thuận tiện ở nông hộ.
- Hoai nhanh, chất lượng cao, đơn giá rẻ.
Phân bón sinh học từ vỏ cà phê được ủ hoai mang lại nhiều giá trị dinh dưỡng cho đất và cây trồng, và quan trọng hơn khi nền nông nghiệp đang trong giai đoạn chuyển mình sang sản xuất an toàn. Không chỉ giúp cải tạo đất, bổ sung cho đất một lượng lớn mùn, vi sinh vật hữu ích, các chất dinh dưỡng giúp đất tơi xốp, thoáng khí, tăng độ phì nhiêu, phân giải các độc tố trong đất, từ đó hạn chế xói mòn đất và rửa trôi các chất dinh dưỡng. Tăng khả năng thoát nước, tránh hiện tượng ngập ủng, hạn chế hiện tượng đóng váng bề mặt, ổn định nhiệt độ trong đất .
Phân bón vi sinh từ vỏ cà phê khi được bón cho cây, tạo môi trường tốt cho các vi sinh vật có lợi trong đất hoạt động, cung cấp nguồn dinh dưỡng đa trung vi lượng cho đất, tăng cường hoạt động của các vi sinh vật có trong đất, giúp bộ rễ phát triển thuận lợi, tăng hiệu lực hấp thụ chất dinh dưỡng của cây. Đồng thời hạn chế sâu bệnh hại, giúp các bộ phận cành, lá cây cứng cấp hơn, lá dày, khả năng chống chịu đựng các điều kiện bất lợi cũng tốt hơn, nên sâu bệnh cũng ít hơn. Tăng cường vi sinh vật hữu ích, nấm đối kháng, tăng tính đề kháng cho cây trồng gây ức chế cho hoạt động của vi sinh vật và nấm bệnh gây hại,tạo điều kiện cho bộ rễ phát triển.