Trong tiếng người đồng bào Vân Kiều, từ Pun có nghĩa là say hương thơm, và trong tiếng Thái, từ Pun còn có nghĩa là hạnh phúc. Vậy sự hạnh phúc đó là gì, lí do chị Lương Ngọc Trâm (Giám đốc Kinh doanh Pun Coffee) chọn cà phê Khe Sanh Quảng Trị làm ngành kinh doanh chủ lực là gì? Hạnh phúc là một giá trị mà có lẽ ta cần phải trải qua một đời người để cảm nhận rõ và hiểu thấu. Nhưng phải chăng đối với chị Trâm, hạnh phúc là khi chị đã không chọn con đường từ bỏ trước những vấp ngã của cuộc đời, là khi được chứng kiến những nỗ lực trên hành trình bền bỉ của mình đơm hoa, kết trái.
Anh Phan Hồng Phong (chồng chị Trâm) tuy sống trong một gia đình có truyền thống hơn 25 năm trồng và chế biến cà phê trên mảnh đất Hướng Hóa, nhưng anh vẫn luôn đau đáu trong mình một khát vọng cải thiện nguồn thu nhập kiếm sống cho bà con vùng đất Quảng Trị. Tuy trăn trở khi gặp phải những khó khăn, vướng mắc nhất định dù đã thử nghiệm nhiều mô hình trồng và kinh doanh khác nhau, thất bại trước sự chi phối giá của thị trường cà phê cùng dấu ấn “mờ nhạt” của thương hiệu cà phê Khe Sanh. Thế nhưng chị Trâm cùng anh Phong vẫn quyết tâm cùng nhau nỗ lực xây dựng lại thương hiệu cà phê đặc sản Quảng Trị theo con đường nông nghiệp “xanh” để vươn ra thị trường thế giới.
Sau khi thăm quan mô hình nông nghiệp xanh ở đồi Chang, Thái Lan, năm 2019 chị Trâm và anh Phong đã quyết định thành lập nên Công ty TNHH Pun Coffee và định hướng thay đổi từ cách canh tác nông nghiệp “lạm dụng” sang nông nghiệp tự nhiên bền vững. “Thói quen sử dụng hóa chất, kiểu chăm sóc cây trồng phản khoa học đã thấm vào người nông dân nơi đây rất lâu, nên điều này không phải muốn ngày một ngày hai thay đổi trong thời gian ngắn là được. Bản thân Pun coffee phải nỗ lực rất nhiều, từ việc sát sao trong quá trình thay đổi thói quen, xây dựng mô hình cà phê vườn rừng, trực tiếp tham gia/tổ chức đào tạo các lớp chế biến chăm sóc cà phê cho bà con,… và những nỗ lực này sẽ thực sự không hiệu quả nếu thiếu đi sự tham gia của các cấp lãnh đạo.” Và rồi những nỗ lực không ngừng nghỉ đó đã đem đến cho Pun Coffee một tin vui, vào tháng 5/2021, sản phẩm cà phê Arabica của đơn vị đã được xướng tên ở ngôi vị cao nhất tại cuộc thi “Cà phê đặc sản Việt Nam 2021”.
“Sau thời gian tự tay thực hiện việc xây dựng mô hình cà phê vườn rừng, mình thấy làm nông nghiệp canh tác tự nhiên không khó. Thậm chí việc này còn vô cùng đơn giản và ta có thể tiết kiệm được rất nhiều nguyên vật liệu từ việc tái sử dụng chúng, ví dụ như sử dụng rác thải sinh học trong sinh hoạt làm phân bón hay sử dụng tài nguyên bản địa để chăm sóc vườn. Nhưng việc khó khăn nhất là chính bà con phải chứng minh được sản phẩm nông nghiệp được canh tác theo hướng bền vững.” Hiện tại sau những thành công ban đầu, Pun Coffee vẫn tiếp tục cố gắng phát triển và áp dụng công nghệ blockchain trong việc xây dựng mô hình vườn rừng của mình và sẽ triển khai ứng dụng mô hình này cho các nhóm hộ liên kết. Điều này sẽ giúp nông sản bán được với giá cao hơn và đồng đều hơn, tuy nhiên sản lượng đầu ra còn nhỏ và lẻ nên việc bán theo hệ thống cũng vẫn là một vấn đề lớn. Chính vì thế, chị Trâm rút ra được cho mình một kinh nghiệm là làm nông nghiệp bền vững cần phải có sự đồng bộ ở những giai đoạn đầu tiên.
“Giá trị cốt lõi của Pun coffee là mang đến khách hàng trải nghiệm loại cà phê đặc sản từ núi rừng Trường Sơn, do chính những người đồng bào Vân Kiều chăm sóc thu hái và tham gia chế biến. Cà phê đặc sản còn mang lại một giá trị sinh kế bền vững cho những người đồng bào Vân Kiều nơi đây, cho những người đang cùng làm và hợp tác với Pun Coffee. Và thông qua con đường kinh doanh cà phê đặc sản này, chị muốn đóng góp 1 phần nào công sức của mình vào công cuộc chống biến đổi khí hậu, nhất là khi trong kinh doanh thường không có chữ “bền vững”. Bên cạnh đó, chị cũng muốn thay đổi thực trạng lạm dụng hóa chất trong chăm sóc cây cà phê trước đây ở nơi này, điều này không chỉ ảnh hưởng tới sản lượng và chất lượng đầu ra mà còn gây hậu quả dài lâu tới đất canh tác. Dù sức con người tuy còn hữu hạn, nhưng với chị, mỗi người một ít sẽ góp phần giảm bớt gánh nặng cho Trái đất.”
Mục tiêu đến năm 2025 của Pun Coffee là gửi sản phẩm cà phê được canh tác hướng hữu cơ đến Viện cà phê quốc tế CQI để đánh giá chất lượng. Và không chỉ thế, hiện nay Pun Coffee cũng đang cố gắng mở rộng kinh doanh, với định hướng sau mỗi năm sẽ tăng từ 5-10 hộ đồng bào Vân Kiều tại địa phương liên kế để cung cấp cà phê cho Pun Coffee. Điều này không chỉ những giúp cho Pun Coffee mà còn để nhằm giúp bà con bán được cà phê với mức giá cao hơn, ổn định thu nhập hơn và có một doanh thu chủ động từ vườn cà phê tại chính vùng đất quê hương của mình.
Bài viết được Pun Coffee chia sẽ từ Greenhub, tháng 6 năm 2021 Pun Coffee vinh dự đạt giải 3 cuộc thi Siêu sao xanh do Greenhub tổ chức bởi sự tài trợ của Oxfam Việt Nam,cuộc thi dành cho những doanh nghiệp tạo tác động môi trường, xã hội và thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn nằm trong khuôn khổ dự án EFD (Enterprising For Development) nhằm hỗ trợ phát triển các ý tưởng kinh doanh bền vững.
Nguồn bài viết: Greenhub