Tính bền vững (Sustainability) là một cụm từ khá phổ biến ngày nay –rất nhiều doanh nghiệp đã bắt đầu chú trọng việc lồng ghép khái niệm bền vững trong hoạt động sản xuất kinh doanh dịch vụ thương mại của mình. Tuy nhiên vẫn có những hoài nghi cho rằng các doanh nghiệp sử dụng từ “bền vững” để quảng bá một hình ảnh tích cực: “rằng công ty của họ chú trọng trách nhiệm xã hội, môi trường,… hơn là lợi nhuận và tăng trưởng…..” .Và ngành cà phê cũng vậy, sự có mặt của các chứng nhận bền vững như: Organic, Rainforest Alliance, Direct Trade, hoặc Sustainability, trên bao bì cà phê giúp doanh nghiệp có thể tính giá gấp đôi, lợi nhuận cao hơn và điều này đã làm nên sức nặng của Sustainability Coffee và đâu là giá trị thực sự cà phê bền vững mà nó mang lại cho cộng đồng – môi trường?
Những giá trị cốt lõi của khái niệm cà phê bền vững:
Nhìn chung, cách diễn đạt có thể khác nhau tùy vào trường hợp của một số doanh nghiệp trong ngành cà phê, nhưng cốt lõi của cà phê bền vững luôn được thiết lập trên ba tiêu chí chính đó là: Trách nhiệm xã hội ; Bảo tồn môi trường ; Giá trị kinh tế. Ví dụ điển hình như Starbuck, khái niệm cà phê bền vững được chống đỡ trên ba trụ cột chính bao gồm: Con người (People), môi trường (Planet) và lợi ích kinh tế của sản phẩm (Product).
- Nông dân là trọng tâm của hạng mục đầu tiên, trong đó mọi sáng kiến của cà phê bền vững tập trung vào gia tăng lợi ích kinh tế, chăm sóc y tế, giáo dục cho trẻ em và người lao động bản địa tại khu vực canh tác cà phê.
- Các mối quan tâm về môi trường được truyền bá qua việc thực hiện canh tác cà phê hữu cơ, không sử dụng hóa chất nông nghiệp, phá rừng, bảo vệ nguồn nước, bảo tồn động vật hoang dã…
- Cuối cùng, để đảm bảo trụ cột kinh tế, các các hình thức thương mại trực tiếp hoặc thương mại công bằng được áp dụng nhằm: thứ nhất nhằm đảm bảo giá trị kinh tế cho nông dân; thứ hai là cam kết cho chất lượng cà phê đến với khách hàng.
Khủng hoảng của giá trị kinh tế của cà phê bền vững
Dựa trên các giá trị cốt lõi của cà phê bền vững, những người uống cà phê trên khắp thế giới đánh giá cao sản phẩm khi họ cho rằng cà phê của họ được trồng và sản xuất một cách bền vững. Nhưng chính những điều trên cũng là tiền đề cho các lo ngại về cuộc khủng hoảng bền vững đã xảy ra trong lĩnh vực cà phê. Cuộc khủng hoảng bền vững này có hai khía cạnh chính:
- Thứ nhất, trong khi giá bán cà phê không ngừng tăng cao đối với người tiêu dùng, thì giá cà phê nguyên lại lại rất thấp đối với nông dân trồng cà phê. Mức giá thấp này đã đẩy hàng triệu gia đình trồng cà phê vào cảnh nghèo đói và họ bị phụ thuộc canh tác cà phê khi không có khả năng chuyển đổi.
- Thứ hai, cà phê đang bị đe dọa sâu sắc bởi biến đổi khí hậu và thiếu nước.
Có hay không một chuỗi cung ứng cà phê bền vững công bằng?
Ngành cà phê với chuỗi cung ứng khổng lồ của nó luôn có sự đối đầu căng thẳng khi mà: “Người trồng và chế biến cà phê thì phản đối các nhà xuất khẩu lợi nhuận quá cao khi chi trả cho người nông dân và nhà chế biến thấp, rồi các nhà xuất khẩu cảm thấy thiệt thòi lợi nhuận trước các bên nhập khẩu chuyên bán cho những quốc gia giàu có.” Và rồi ở một đầu của chuỗi giá trị khác thì “nhà nhập khẩu thì bị kẹt trong biến động giá, cảm thấy bị chèn ép với mức lợi nhuận nhỏ nhoi, nên họ nghĩ nhà rang xay thu được lợi nhuận cao hơn. Các nhà rang xay lại cảm thấy các nhà bán lẻ thu được gấp đôi mức giá mà họ có được khi các nhà rang làm việc 15h một ngày, sáu ngày một tuần, chiến đấu với các chứng nhận nghiêm ngặt trong khi đó các chuỗi quán chỉ cần mở một cửa hàng cuối phố.”
Tuy vậy, bài toán giá trị trong chuỗi cung ứng cà phê luôn là thách thức: mà tại hội thảo Smithsonian, Khi một người nông dân trồng cà phê từ Trung Mỹ thắc mắc vì sao các hãng Specialty Coffee bán cà phê của họ với giá 8-10 USD, trong khi họ chỉ nhận được trên dưới 1 USD cho 1 pound cà phê, câu trả lời được lý giải như sau:
- Giả sử bạn trả 1.3 USD cho một bao cà phê Supremo ở Colombia, sau đó thêm 11 cent cho chi phí vận chuyển, lưu trữ, xử lý, 31 cent cho chi phí mất mát 18% khối lượng trong quá trình rang, cộng với chi phí rang 12 cent 1/pound, 25 cent cho đóng gói và 40 cent vận chuyển. Tổng cộng đã là 2.39 USD. Thêm 2.15 USD để trả chi phí cho hãng rang xay (khấu hao thiết bị, bán hàng, cơ sở hạ tầng…) sau đó cố định 24 cent lợi nhuận (5%). Chi phí cho một gói cà phê khi đến nhà bán lẻ lúc này đạt 4.78 USD.
- Sau đó tùy thuộc vào quy mô nhà bán lẻ họ phải tính phí từ 8 – 10 USD để có lợi nhuận hợp lý. Mặt khác, nếu hạt cà phê đi đến một quán cà phê đặc sản, người chủ quán sẽ chuyển đổi từ 4.78 USD lên 25 – 50 USD cho một pound cà phê ở dạng thức uống (một cốc Espresso có giá 1 – 2 USD, cho trung bình 25 cốc cà phê). Mặt khác các chủ quán phải trang trải mọi chi phí cho không gian, cơ sở hạ tầng, phục vụ…
Có hay không sự bình đẳng trong ngành cà phê?
Cuối cùng, có vẻ chi phí cao là hợp lý, ít nhất là trong điều kiện của nền kinh tế và lối sống ở các nước phát triển. Tuy vậy vẫn có sự chênh lệch rõ ràng giữa sự sung túc ở các nước như Hoa Kỳ với sự nghèo đói của các vùng cà phê ở Trung Mỹ, Đông Phi. Và trong suốt chiều dài của lịch sử cà phê, chúng đã luôn gắn liền với sự bất bình đẳng, nô lệ, tầng lớp khổ sai, thuộc địa… Thức uống này, chủ yếu mang đến caffeine để giúp thế giới công nghiệp hóa giữ được sự tỉnh táo, được trồng ở những vùng biết tận hưởng giấc ngủ trưa. Một khía cạnh khác mà chúng ta khó chấp nhận trong hệ thống của cà phê bền vững là người trồng phải trả tiền để được chứng nhận trong khi họ là tầng yếu nhất của chuỗi chuỗi cung ứng dài vô biên. Làm thế nào bạn có thể yêu cầu những người kiếm được trung bình vài trăm hoặc vài nghìn đô la mỗi năm “dốc sạch túi” để được chứng nhận?
Bền vững cà phê trong cán cân với hệ sinh thái môi trường:
Một góc nhìn thú vị về tính bền vững của cà phê là môi trường, là ở các quốc gia giàu có, khi các thị dân chi trả nhiều hơn cho cà phê hữu cơ mà chỉ có một số ít đến được với nông dân – trụ cột sinh kế gần như lung lay, điều này buộc người nông dân phải đốn thêm cây cối để tăng diện tích sản xuất cà phê và khiến cho hệ sinh thái bị mất cân bằng nên đã bắt đầu có cuộc chiến giữa “bóng râm và mặt trời”. Ví dụ như ở Ethiopia, cây cà phê dần thay thế cho hệ thực vật bản địa và đột ngột làm thay đổi tính cân bằng của hệ sinh thái. Nên việc đấu tranh vấn đề trông cà phê trong bóng mát “tự nhiên” ít nhất cũng cung cấp môi trường sống tương đối lành tính, khuyến khích sự đa dạng sinh học hơn rất nhiều so với các lựa chọn khác. Và đến sang thế kỷ 20, hầu hết các chuyên gia nông nghiệp đã thiên về phương pháp dùng bóng mát. Vào năm 1901, bộ nông nghiệp Hoa Kỳ xuất bản cuốn Shade in Coffee Culture trong đó O.F Cook chỉ ra rằng các cây cho bóng giúp cố định Nitơ “ Chúng giữ lại đất và hiếm khi đòi hỏi phải trồng lại hoặc chăm sóc gì hơn ; Bóng mát của chúng giúp hạn chế sự phát triển của cỏ dại, làm giảm chi phí canh tác và những tác động xấu của hạn hán” một số loại cây họ đậu giúp được vấn đề này như: Muồng đen, sưa đỏ, keo dậu…..
Dán nhãn cà phê vì môi trường: Đến tháng 9, năm 1996, tại hội thảo về cà phê Bền vững lần thứ I, do trung tâm chim di trú Smithsonian tài trợ. Lần đầu tiên, các học giả, các nhà bảo tồn và các chuyên gia tụ họp trong ba ngày với các nông dân, nhà xuất khẩu, nhập khẩu, các hãng rang xay, bán lẻ để bàn thảo và tranh luận về Cà phê bền vững, một từ thông dụng nhưng chưa bao giờ được định nghĩa rõ ràng. Tại đây Chris Wile của Liên mình Rừng nhiệt đới (Rainforest Alliance) đã nói với khán giả: “Chúng tôi có thể nhận thấy mọi người sẽ uống cà phê nhiều hơn và cà phê có chất lượng tốt hơn, chỉ cần đảm bảo nó được chứng nhận là thân thiện với môi trường. Loài chim chiến thắng, loài ong chiến thắng”. Tuy nhiên, thách thức nằm ở việc làm sao dán nhãn thương mại hóa những loại cà phê như vậy. Các nhà bán lẻ hữu cơ không đồng ý với những người thực hiện thương mại công bằng. Rainforest Alliance muốn dán nhãn Eco-OK của mình, trong khi Tổ chức Bảo tồn Quốc tế (Conservation International) có một chứng nhận tương đối khác.
Bao nhiêu cây xanh che bóng trong vườn cà phê được xem là cà phê bền vững? Tại Selva Negra, các vườn trồng cà phê bóng râm quá dày, có quá ít ánh nắng mặt trời nên cây cà phê không thể phát triển nổi, nhưng thời điểm này những khu vực trồng cây cà phê của khu vực Trung và Nam Mỹ, rồi Châu Phi và Châu Á việc trồng cây che bóng mới là phổ biến nhưng bao nhiêu cây che bóng trong vườn là phù hợp với điều kiện tự nhiên của vùng cũng là vấn đề nan giải. Tuy nhiên tại La Minita (một đồn điền chuẩn mực của Costa Rica) các cây che bóng được cắt tỉa và cung cấp môi trường sống tối thiểu cho chim chóc lại đang đứng cùng những cây cà phê, mà hạt của chúng có giá đắt nhất nhì thế giới, nơi dây cũng nên chọn là ví dụ điển hình tham khảo việc trồng cây che bóng trong vườn cà phê bao nhiêu là phù hợp
Cuộc đua thương mại hóa tính bền vững
Ở một phương diện khác, các doanh nghiệp kinh doanh cà phê ở mọi quy mô đang thúc đẩy các hoạt động bền vững của riêng mình. Họ cung cấp các chứng chỉ và mô hình thương mại trực tiếp nhằm chi trả nhiều hơn, bảo vệ hệ sinh thái và ngăn chặn bất bình đẳng xã hội – Những dấu hiệu đáng mừng. Song, trong một số trường hợp (ngày càng tăng), các doanh nghiệp này đã phá vỡ cấu trúc của các chương trình chứng nhận hiện hành, với niềm tin rằng giải pháp của chính họ hiệu quả hơn cho một số mối vấn đề cấp bách của ngành cà phê. Đồng thuận với chủ đề này, trong năm 2019, Hane Motsinger từ SCA đã nhắc đến cà phê bền vững qua tính thiếu nhất quán của nó như sau: “Một số sáng kiến bền vững thực sự mang lại kết quả tích cực cho các cá nhân và cộng đồng. Tuy nhiên, tính bền vững cũng là một công cụ tiếp thị có giá trị cho nhiều doanh nghiệp. Với lợi thế cạnh tranh mà các mô hình kinh doanh bền vững mang lại, nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực cà phê ưu tiên các dự án bền vững của riêng họ hơn là hợp tác và phối hợp.”
Sau cà phê bền vững sẽ là gì ?
Cuối cùng, cần hiểu rằng nền kinh tế cà phê tự nó không chịu trách nhiệm cho tình trạng bất ổn xã hội, ô nhiễm môi trường, hay nghèo đói tại một phần châu lục nào đó ; Chúng ta không nên nhầm lẫn giữa tương quan với nguyên nhân. Sự bất bình đẳng và nỗi thất vọng hình thành trong suốt chuỗi cung ứng cà phê đã tồn tại từ lúc thương mại cà phê bắt đầu, và chỉ dần trở nên trầm trọng thêm. Càng về sau, cà phê bền vững sẽ đối mặt với nhiều vấn đề hơn từ bất bình đẳng giới, lao động trẻ em, đến biến đổi khí hậu toàn cầu… Những thành quả đạt được sẽ không ngừng đối mặt với vô số cách thách thức bổ sung. Cũng cần biết rằng, khi so sánh với nhu cầu của các nước phát triển về nhiều sản phẩm giá rẻ với số lượng lớn khác, cà phê tương đối lành tính. Điều kiện làm việc của người lao động trên các đồn điền chuối hoặc bông vải, hay đổ mồ hôi trong các mỏ vàng kim cương, hầm than… còn tồi tệ hơn nhiều. Phần lớn cà phê được trồng trên những mảnh đất nhỏ của những người nông dân yêu quý cây cà phê họ đang chăm sóc. Mối liên quan bền vững cà phê nó phải bao hàm chuỗi tương quan lẫn nhau: người nông dân trồng cà phê – nhà chế biến – nhà thương mại (xuất khẩu) – người dùng cuối cùng, như vậy mới tạo ra sự bền vững đích thực, chứ không phải trào lưu mà các doanh nghiệp, các đối tác có liên quan dán nhãn để kinh doanh.
Chịu trách nhiệm nội dung: Lương Ngọc Trâm
Bài viết có sử dụng tư liệu nhiều nguồn từ internet.