Kopi luwak cà phê chồn là loại cà phê được làm ra từ phân của chồn hương (cầy hương), nó đắt, & xa xỉ nhưng đây là một tin xấu đối với con vật này.
Thật khó để tưởng tượng về việc tiếp thị hình ảnh một sản phẩm – thực phẩm từ phân của động vật, một cách tiếp cận không hấp dẫn như vậy, nhưng dường như đã có hiệu quả: Chiến dịch cà phê chồn Kopi Luwak Indonesia chắc chắn đã thiết lập thành công và duy trì sức hấp dẫn ở một số thị trường. Đó là loại cà phê đắt nhất thế giới, và nó được làm từ phân của con vật này, hay đúng hơn, nó là những hạt cà phê còn sót lại từ hệ tiêu hóa của chồn, và như tạp chí National Geographic từng đưa tin, nó có thể được bán với giá tới 80 đô la ở Hoa Kỳ.
Ngành công nghiệp cà phê đã chứng kiến sự gia tăng bất thường về nhu cầu của cà phê chồn Kopi Luwak, một phần do những tuyên bố về quy trình lên men tự nhiên diễn ra trong đường tiêu hóa của động vật. Một số người chỉ vì hiếu kỳ và danh tiếng xa xỉ của nó mà hoàn toàn không quan tâm đến việc những con cầy hương thực sự bị ngược đãi ra sao!
Nguồn gốc của cà phê chồn “Kopi Luwak” của Indonesia
“Kopi” là từ Indonesia để chỉ cà phê, và “Luwak” là cách gọi của nước này đối với loài Chồn hương Châu Á. Ở các quốc gia khác nhau có những tên gọi khác nhau cho loại cà phê này. Nó còn được gọi là Civet Coffee (ở các quốc gia tiêu thụ), Cà phê Alamid (ở Philippines), và Cà phê Chồn (Ở Việt Nam).
Quá trình này bắt đầu khi cầy hương, một loài động vật hoang dã sống về đêm nhút nhát, đơn độc, rình mò các đồn điền cà phê đến mùa thu hoạch vào ban đêm, ăn những quả cà phê chín mọng ngon nhất. Chúng không thể tiêu hóa hạt của quả cà phê, vì vậy chúng thải ra ngoài cùng với… phân. Các hạt cà phê này được thu thập bởi con người, chọn ra những hạt có thể rang được và tạo ra một loại cà phê có hương vị độc đáo thường được chào mời là loại cà phê dành cho người sành ăn, với giá hằng nghìn đô la cho một kilôgam.
Cà phê Kopi Luwak ban đầu được biết đến bởi người làm công trên các đồn điền cà phê ở Indonesia – họ bị cấm hái cà phê để sử dụng. Tuy nhiên, những con cầy hoang dã đã lẻn vào đồn điền để ăn trộm những quả cà phê chín mọng, và sau đó những người công nhân dọn phân của chúng để lấy hạt – dĩ nhiên là họ không “hái” chúng. Ngay sau đó, các chủ đồn điền đã phát giác tiềm năng của loại cà phê mới được cho là “thơm nồng” và “hương vị mượt mà hơn”. Dần dần sản lượng cà phê chồn Kopi Luwak tăng lên, nhưng sản lượng hàng năm của loại cà phê này vẫn cực kỳ thấp. Sự mất cân bằng giữa cung – cầu đã dẫn đến sự ra đời của một ngành công nghiệp “Kopi Luwak”.
Sự cường điệu của phương tiện truyền thông
Một số loại cà phê được đánh giá cao vì danh tiếng lâu đời của chúng hoặc nguồn cung hạn chế, đó là cà phê đến từ các hòn đảo của Hawaii hay cà phê từ các vùng như Yemen, Ethiopia v.v.. Các loại cà phê khác, nhưng với cà phê chồn Kopi Luwak, thì khoác lên mình một vẻ “bí ẩn” nhất định để có thể đẩy giá lên, nó được biết đến với cách chế biến kỳ lạ. Theo các chuyên gia, một phần của lý do khiến Kopi Luwak trở nên đặc biệt là do chồn hương hoang dã chỉ chọn những quả cà phê ngon nhất để ăn.
Thoạt đầu, việc buôn bán cà phê chồn Kopi Luwak mang lại lợi ích cho những sinh vật này. Vì không chỉ ở Indonesia, mà một số quốc gia khác nhau trên thế giới, chuyên tấn công các trang trại trồng hoa quả thương mại, thường được xem là loài gây hại, vì vậy sự phát triển của “ngành công nghiệp cà phê chồn Kopi Luwak” đã khuyến khích người dân địa phương bảo vệ cầy hương để lấy phân có giá trị.
Nhưng một khi chồn hương và cà phê Kopi Luwak đã trở nên phổ biến, cùng với việc Indonesia phát triển như một điểm đến du lịch nơi du khách muốn xem và tiếp xúc với động vật hoang dã, ngày càng có nhiều chồn hương hoang dã bị nuôi nhốt trong lồng trên các đồn điền cà phê. Một phần, đây là để sản xuất cà phê, nhưng nó cũng có thể kiếm tiền từ mục sở thị cho khách du lịch thấy chồn hương.
Lý giải về chất lượng của Kopi Luwak
Các chuyên gia từ tổ chức cà phê đặc sản (SCA) đã đưa ra nhiều lập luận về hương vị thực tế của cà phê chồn Kopi Luwak. Một trong những lập luận mạnh mẽ nhất chống lại loại cà phê này – và là một trong những lập luận đáp ứng được sự đồng thuận chung trong ngành – là nó có vị rất tệ.
Những người khác trong ngành đã phản ứng nhiệt thành hơn với lời lẽ phản đốicà phê chồn Kopi Luwak trên nhiều phương diện. Thompson Owen của Sweet Maria’s ở Oakland, CA đã bắt đầu với quan điểm “Nói không với cà phê chồn Kopi Luwak” và nêu rõ bằng mô tả, “Cần gửi một thông điệp đến ngành công nghiệp cà phê rằng cà phê chồn Kopi Luwak không nên được chấp nhận, nó có hương vị tệ, không phục vụ lợi ích của người nông dân trồng cà phê, làm xao nhãng thông điệp về cà phê chất lượng và chúng tôi lên án hành vi tàn ác với động vật”.
Rocky Rhodes của International Coffee Consultin đưa ra một phân tích chi tiết hơn và chia sẻ kinh nghiệm của mình với loại cà phê này. “Tại một trang trại ở Đông Java, tôi đã có cơ hội đánh giá lô cà phê chồn Luwak từ những con chồn được nuôi nhốt và cho ăn cùng một loại cà phê. Sau khi thử một số mẫu, rõ ràng cà phê chồn Luwak được bán vì câu chuyện chứ không phải chất lượng vượt trội”.
Các enzym trong hệ tiêu hóa của cầy hương thay đổi cấu trúc của protein trong hạt cà phê, loại bỏ một số axit để tạo ra một tách cà phê khác biệt hơn. Việc nuôi nhốt cầy hương với khẩu phần ăn chỉ có cà phê sẽ dẫn đến sản phẩm kém chất lượng. Vì vậy với Kopi Luwak, giá cao hơn không nhất thiết có nghĩa là chất lượng cao hơn.
Rốt cuộc thì cà phê chồn Kopi Luwak được sản xuất từ phân động vật. Nó có vị rất tệ, đắt tiền và có không phải là trải nghiệm tuyệt vời nhất đối với những loài động vật sản xuất ra nó. Vì vậy, chính xác nó là gì mà mọi người đang phản hồi? Nếu các chuyên gia kịch liệt phủ nhận bất kỳ phẩm chất nào Kopi Luwak thì liệu người tiêu dùng có thực sự thích nó? Hay họ đang đáp lại danh tiếng của có được từ sự thổi phồng của phương tiện truyền thông -Trích lời Lily Kubota chuyên gia truyền thông của SCA.
Sự thật về loại cà phê đắt nhất thế giới
Bây giờ không có cách nào để biết liệu một túi cà phê chồn Kopi Luwak được làm từ cầy hương hoang dã hay nuôi nhốt trong lồng. Các cuộc điều tra của đơn vị Nghiên cứu Bảo tồn Động vật Hoang dã tại Đại học Oxford, Tổ chức Bảo vệ Động vật Thế giới có trụ sở tại London và cả cuộc điều tra bí mật của BBC vào năm 2013 đã phơi bày cách mà chồn hương bị nuôi nhốt trong lồng với điều kiện vô nhân đạo lại dán nhãn là cà phê chồn hương hoang dã để được buôn bán ở châu Âu.
Ngay cả Tony Wild, cựu giám đốc của Taylors of Harrogate – nhãn hiệu kinh doanh cà phê lâu đời tại Anh, ông là người đã giới thiệu cà phê chồn Kopi Luwak đến phương Tây, cũng lên tiếng chống lại nó trong một bài báo cho The Guardian. Ông nói, “Khi tôi giới thiệu Kopi Luwak đến Vương quốc Anh, đó là một sự mới lạ kỳ quặc. Giờ đây, nó được định giá quá cao, công nghiệp hóa, tàn nhẫn – và không thể xác thực. Điều đó thực sự khó tiếp nhận”.
“Lần đầu tiên tôi đọc một mô tả về Kopi Luwak là vào năm 1981, trong một đoạn ngắn của Tạp chí National Geographic Magazine. Mười năm sau, năm 1991, với tư cách là giám đốc cà phê của Taylors of Harrogate, tôi là người đầu tiên nhập khẩu Kopi Luwak vào phương Tây – với một kg. Trong 20 năm sau, Kopi Luwak đã trở thành “huyền thoại” về những loại cà phê đắt tiền nhất, một sản phẩm “danh tiếng” theo đúng nghĩa của nó, được cung cấp bởi mọi nhà bán lẻ cà phê tham vọng trên toàn thế giới, xuất hiện trên CNN News, các chương trình truyền thông ăn khách và The Bucket List (một bộ phim Hollywood) – Tôi rất tiếc, tôi là người đã bắt đầu tất cả …”
Quyền động vật & Câu hỏi về nhãn dán
Thực tế là ngay nay không thể tìm thấy Kopi Luwak hoang dã thực sự, gần như tất cả chúng đến từ những con chồn hương bị nuôi nhốt với điều kiện chăm sóc đáng bị lên án. Các công ty cà phê trên khắp thế giới vẫn tiếp thị Kopi Luwak qua câu chuyện kỳ thú về loại động vật hoang dã này, nhiều lập luận cho rằng chỉ có khoảng 500kg Kopi Luwak hằng năm – một sự khan hiếm biện minh cho mức giá bán lẻ khổng lồ của nó. Nhưng trên thực tế (mặc dù không có số liệu chính xác) nông dân ở Ấn Độ, Việt Nam, Trung Quốc và Philippines cũng đã nhảy vào cuộc – với ít nhất là 50 tấn, thậm chí có thể nhiều hơn.
Hơn nữa, Không có chương trình chứng nhận nào tồn tại để đảm bảo rằng cà phê Kopi Luwak được dán nhãn “hoang dã” thực sự là như vậy. Các nhà chứng nhận cà phê hiện hành chỉ làm việc để đảm bảo sản xuất và canh tác có trách nhiệm với môi trường và từ chối chứng nhận bất kỳ loại Kopi Luwak nào.
Có một số dấu hiệu nhỏ cho thấy ngành công nghiệp này cuối cùng cũng đang được khắc phục. Một số cơ quan chứng nhận cà phê, bao gồm Liên minh Rừng nhiệt đới Rainforest Alliance và đã cấm sử dụng nhãn dán của họ cho Kopi Luwak. Các tiêu chuẩn của Mạng lưới Nông nghiệp Bền vững (SAN) cấm săn bắt và sử dụng động vật hoang dã được nuôi nhốt trong các trang trại và sẽ không chứng nhận bất kỳ sản phẩm Kopi Luwak nào.
Tuy nhiên, con người luôn có xu hướng và đủ khả năng làm ngược lại các nguyên tắc do chính họ đặt ra. Thương buôn bắt đầu làm ăn với các nhà cung cấp tự xưng là những người chăn nuôi chồn hương nhân đạo. Nhà cung cấp tuyên bố rằng tất cả nông dân của họ đều được đào tạo và giám sát để không ngược đãi chồn hương. Thị trường cà phê coi động thái này là tích cực, đặc biệt là vì nông dân được trả cao gấp 10 lần so với số tiền mà họ nuôi nhốt chồn hương trong lồng trước đây – nhờ chuỗi cung ứng được chứng nhận. Điều này, có lẽ đã làm những người giàu có bớt đi phần nào cảm giác “tội lỗi”.
Xu hướng cho hạt cà phê đi qua dạ dày động vật đã tiếp tục chuyển sang ngành công nghiệp voi, với các kỹ thuật tương tự ở Thái Lan. Công ty Black Ivory Coffee tuyên bố rằng quá trình lên men của “Cà phê Ngà đen” của họ khác với Kopi Luwak, do voi là động vật ăn cỏ. Mặc dù vậy, khái niệm vẫn giống nhau. Một lần nữa, họ sử dụng động vật để tạo ra sản phẩm một cách tự nhiên cho chúng ta – chỉ có điều nó chưa đạt được danh tiếng tương tự Kopi Luwak.
Vậy điều gì là hấp dẫn?
Kopi Luwak được trích xuất từ… Phân của động vật, nó có vị rất tệ, đắt tiền và có thể không phải là trải nghiệm tuyệt vời nhất đối với những loài động vật sản xuất ra nó. Vì vậy, nếu các chuyên gia kịch liệt phủ nhận nó thì liệu người tiêu dùng có thực sự thích nó? Hay họ đang đáp lại danh tiếng của nó từ sự thổi phồng của phương tiện truyền thông?
Mặc dù người tiêu dùng bình thường sẽ không trả mức giá cao ngất ngưởng mà loại cà phê này đòi hỏi, nhưng có một bộ phận người giàu Hoa Kỳ, Châu Âu và Đông Á sẵn sàng trả tiền để có được trải nghiệm mới lạ hoặc xa xỉ. Rõ ràng, nó không nhất thiết phải ngon, người uống cà phê không cần phải thích nó, và nó không nhất thiết phải “hợp túi tiền” đối với một số người muốn nó.
Đó là câu chuyện. Và bất kể suy nghĩ của bạn về chất lượng của Kopi Luwak như thế nào, dường như luôn có một thị trường dành cho các sản phẩm khẳng định sự quý hiếm hoặc “độ giàu có”.
Bài viết tổng hợp nhiều nguồn khác nhau