Khi chấp bút viết bài này, để nhìn lại hành trình 5 năm cà phê Khe Sanh nhà Pun, năm 2019, khi chúng tôi bắt tay xây dựng thương hiệu Pun Coffee thời điểm lúc đó cà phê Khe Sanh rất ít người biết đến có chăng chỉ những thương lái thu mua và các nhà máy chế biến cà thương mại hoạt động sản xuất tại đây, rồi sau đó cà phê KheSanh đi đâu thì không ai biết được. Thời điểm này, các nhà máy truyền tai nhau, cà Khe Sanh đấu trộn với dòng hạt cà Sơn La, Cầu Đất….thậm chí cà Lào.
Với thị trường tiêu dùng, thói quen sử dụng cà phê của khách hàng thích cà phê đen, sánh dày bọt, đắng đậm đa phần là những hạt cà phê được cháy khét, tẩm trộn phụ gia hương liệu được yêu chuộng lúc bấy giờ.
Quay ngược dòng thời gian, cà phê Khe Sanh đã từng có thời điểm huy hoàng, khi những đơn hàng cà phê Khe Sanh được xuất chính ngạch sang thị trường Châu Âu với các nhà máy lớn như Thái Hòa, Đại Lộc, cà phê Đường 9…..
Vậy cớ sao cà phê Khe Sanh lại rơi vào vòng quên lãng vắng bóng phai mờ? Cùng nói chuyện với các nhà chế biến, thực trạng đáng buồn cà phê Khe Sanh giai đoạn này chính là việc thu hái của người dân. Tụi mình vẫn hay bảo nhau rằng chính nông hộ quyết định hơn 40% chất lượng cà phê thành phẩm, nhưng tại Khe Sanh – Hướng Phùng người dân thu hái cà phê xanh chín lẫn lộn, rồi cho đi ngâm nước, hoặc trộn đất cát vào lẫn trong cà phê để cà phê nặng ký hơn. Thêm vào đó, kỹ thuật chế biến vẫn tập trung vào sản xuất số lượng chưa chú trọng chất lượng nên thời gian dài cà phê Khe Sanh tụt dần, thêm yếu tố khách quan khác chính là giá bán cà phê thời điểm rất thấp, kí cà phê tươi năm 2019 rơi vào giá 3500đ/kg, các vườn cà phê bỏ bê không chăm sóc, chất lượng quả cà phê tươi suy kém dần.
Cuộc vươn mình ngoạn mục của những con người quyết sống còn cùng cà phê Khe Sanh và nhân duyên đến hành trình cà phê đặc sản.
Năm 2020, chị An Rẫy Nhà Si (Cư Mnga- ĐakLak) tổ chức workshop tại đồi Pun và mời 2 chuyên gia Lê Trung Hưng – Nguyễn Tấn Vinh về chia sẽ cùng bà con nông dân làm cà phê, đó là thời điểm mà chúng tôi nhớ mãi, những cơn mưa nặng hạt đầu tiên của mùa mưa bão 2020 (Mùa mưa bão gây thảm họa Đoàn Kinh tế quốc phòng 337 và thủy điện Rào Trăng), mưa gió bão bùng như vậy, nhưng những người nông dân và đại diện chính quyền xã Hướng Phùng vẫn đến nghe chuyên gia chia sẽ về cà phê, kỹ thuật chế biến nâng cao chất lượng cà phê.
Và tháng 12/2020, thầy Lê Trung Hưng quay trở lại để hướng dẫn cho chúng tôi những con người tâm huyết với cà phê Khe Sanh kỹ thuật chế biến cà phê đặc sản. Kiến thức cà phê đặc sản là gì, kỹ thuật chế biến cà phê nhân xanh, phân loại lỗi cà phê ….tất cả những khái niệm cà phê đặc sản mới toanh với chúng tôi, vừa học vừa thực chiến trong 7 ngày theo cách cầm tay chỉ việc. Sau lớp học, Quảng Trị với 3 mẫu cà phê tham gia cà phê đặc sản Việt Nam 2021 kết quả thật bất ngờ, 1 giải nhất (Pun Coffee) 1 giải nhì (Nhóm cà phê đặc sản Quảng Trị) hạng mục cà phê arabica. Link tham khảo: Click link
Giải thưởng năm 2021 đã mở ra niềm tin mới, hướng đi mới cho cà phê arabica Khe Sanh, thương hiệu cà phê đặc sản Quảng Trị được nhiều khách hàng quan tâm và tìm kiếm và từ năm 2022 cà phê arabica Khe Sanh luôn giữ vững vị thế top đầu cà phê đặc sản Việt Nam, trong đó Pun Coffee 3 lần giữ vị trí Top1, top 3 và các nhà chế biến khác nằm trong top 10 cà phê đặc sản Việt Nam arabica. Điểm note score của cà phê Khe Sanh liên tuc thay đổi các năm qua ngưỡng từ 84.60 trở lên.
Là vùng cà phê arabica độ cao thấp, trung bình từ 550-650m so với mực nước biển, biên độ nhiệt chênh chênh lệch và đêm dao động từ 10-12 độ, cạnh vỹ tuyến, khí hậu mang sắc thái á nhiệt đới, với hình thái điều kiện tự nhiên như vậy, nên 1926 nhà sinh vật học người Pháp mang cà phê arabica đến trồng tại vùng đất này cũng có là điều hiển nhiên, trải qua gần 100 năm thăng trầm, cà phê arabica Khe Sanh đã chọn hướng đi đúng là cà phê đặc sản đối với vùng cà phê có diện tích nhỏ này.
Phát triển mô hình nông lâm kết hợp xây dựng vùng nguyên liệu cà phê đa dạng sinh học bền vững
Với những kết quả đạt được trong lĩnh vực chế biến, từ năm 2022 vùng cà phê arabica Khe Sanh đã bắt đầu chú trọng việc xây dựng lại vùng nguyên liệu. Trồng mới, tái canh và đang xen cây che bóng, cây ăn quả ….nhằm đa dạng các nguồn thu nhập khác nhau từ vườn cà phê cũng như nâng cao chất lượng nguyên liệu quả cà phê tươi.
Cà phê arabica Khe Sanh 2024 kết quả của quá trình cố gắng nổ lực
Năm 2024 là một năm trái ngọt hạnh phúc của cà phê Việt Nam nói chung và cà phê Khe Sanh nói riêng, khi giá cà phê liên tục tăng, giá thấp nhất 15.000đ/kg quả tươi, với nhiều nông hộ đây là giá cao nhất từ trước đến nay. Niềm hạnh phúc rộn ràng thể hiện rõ rệt trên những gương mặt mỗi cuối ngày cân cà đóng cà lên xe về nhà máy.
Cùng với hỗ trợ của chính quyền, Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Trị đã thực hiện cấp giống tái canh cây cà phê, các Tổ chức phi chính phủ như WWF đã đồng hành cùng nông dân trồng cà phê tại Hướng Phùng thực hiện việc đa dạng sinh học đưa rừng về vườn cà phê bằng cách cấp miễn phí cây giống lâm nghiệp, cây che bóng trong vườn cà phê….nhằm giúp người nông dân trong 3-5 năm tới sở hữu được những vườn cà phê đa dạng sinh học, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Nhìn lại những chặng đường đã qua và những gì đang diễn ra tại vùng nguyên liệu cà phê arabica nhỏ bé miền Trùng này, hy vọng rằng tương lai không xa cà phê Khe Sanh không những sánh vai cùng các vùng cà phê lớn trên thế giới mà giá trị đích thực từ cà phê mang lại góp phần thay đổi kinh tế, xã hội và văn hóa mãnh đất này.