Bài viết được tổng hợp từ Perfectdailygrind
Trong những năm gần đây, tính bền vững luôn là trọng tâm của toàn ngành cà phê. Trong đó, mức độ phá rừng của trang trại cà phê là một trong những vấn đề gây nên những cuộc tranh luận sôi nổi. Một số chuyên gia nhận định các đồn điền cà phê đang khiến diện tích rừng giảm mạnh. Bên còn lại cho rằng sản xuất cà phê không phải nguyên nhân chính. Để xác định chính xác, chúng ta cần có những dữ liệu khách quan đo lường mức độ phá rừng của các trang trại trồng cà phê. Làm thế nào để đo lường chúng?
Tại sao phải đo lường mức độ phá rừng của việc canh tác cà phê
Theo Ilya Byzov – Nhà giao dịch định lượng tại Sucafina, rất khó để xác định được mức độ của nạn phá rừng trong sản xuất cà phê. Theo kết quả nghiên cứu của Sucafina cho thấy, nạn phá rừng diễn ra thường xuyên ở các quốc gia trồng cà phê. Đặc biệt là các quốc gia trong Vành đai cà phê được xem là nơi có tình trạng phá rừng nhiều nhất. Nhưng không thể lấy thông tin này để quy chụp cho sản xuất cà phê, bởi một số nghiên cứu chuyên sâu đã chỉ ra rằng nguyên nhân gốc rễ của việc phá rừng là do tăng dân số, nhu cầu lương thực tăng đòi hỏi việc mở rộng.
Tuy nhiên không thể phủ định sản xuất cà phê đang tạo ra những tác động tiêu cực cho những cánh rừng. Hầu như các trang trại đều phải chặt bỏ cây để nhường chỗ cho cây cà phê. Thêm vào đó, việc canh tác cà phê độc canh gây ra nhiều hệ lụy bởi nó cần phá bỏ diện tích rừng rộng lớn. Môi trường trong các nông trại chuyên canh cà phê này có thể gây mất cân bằng hệ sinh thái, suy thoái đất và ô nhiễm môi trường ảnh hưởng đến bền vững toàn ngành.
Có thể nhận thấy rõ ràng là, có thể cà phê không phải nguyên nhân duy nhất nhưng nó cũng tác động đến việc phá rừng. Chẳng hạn như dự luật mới do Liên minh châu Âu (EU) đề xuất sẽ bắt buộc phải chứng minh rằng cà phê và các mặt hàng nhập khẩu khác không gây phá rừng. Nhưng trên thực tế lại có rất ít dữ liệu về địa điểm và thời điểm xảy ra nạn phá rừng nên rất khó để dự đoán chính xác. Việc này dẫn đến mất kiểm soát và tình trạng phá rừng ngày càng nghiêm trọng hơn. Vậy nên, theo dõi và đo lường nạn phá rừng là điều cần thiết để giải quyết gốc rễ nạn phá rừng và tạo ra chuỗi cung ứng bền vững.
Cách đo lường mức độ phá rừng của các trang trại trồng cà phê
Do phá rừng thường diễn ra với tốc độ chậm và cách xa các trang trại trồng cà phê nên rất khó để đo lường chính xác mức độ phá rừng trên thực địa. Để giải quyết vấn đề này, Sucafina và các tổ chức khác đã hợp tác thử nghiệm công nghệ vệ tinh có thể theo dõi mức độ phá rừng. Bên cạnh đó, các công ty công nghệ vệ tinh như Dịch vụ Đánh giá Rủi ro Toàn cầu và Thương mại Không gian (GRAS) đã sử dụng bản đồ đa giác kết hợp hình ảnh vệ tinh để tiến hành đo lường. Bản đồ cho phép lập bản đồ các lô đất có hình dạng bất thường. Khi sử dụng dữ liệu đó đối chiếu cùng hình ảnh vệ tinh, các chuyên gia có thể xác định những thay đổi về độ che phủ của cây cối theo thời gian.
Ngoài ra, để hỗ trợ quá trình đo lường, các nhóm còn thiết lập tọa độ GPS cho các trang trại và lô đất. Dữ liệu này sau đó được tải lên để tạo ra một hệ thống bản đồ địa lý, được phủ lên bằng hình ảnh vệ tinh để theo dõi độ che phủ của rừng. Khi dữ liệu đã được thu thập trong vài năm, việc đánh giá mức độ thay đổi của độ che phủ rừng theo thời gian sẽ dễ dàng hơn nhiều cho phép dễ dàng theo dõi nạn phá rừng hơn.
Ana Cabezas – Chuyên gia về GIS & Tính bền vững tại GRAS cho biết, công nghệ vệ tinh có lợi thế rất lớn trong việc đánh giá các khu vực rộng lớn, ngay cả những khu vực khó tiếp cận trên mặt đất. Các hệ thống này có khả năng giám sát các khu vực sản xuất cà phê và phát hiện những thay đổi trong sử dụng đất. Việc sử dụng các hình ảnh vệ tinh hiện tại và lịch sử để xác định sự thay đổi trong quá trình sử dụng đất.
Hơn thế, các công ty như GRAS và Trade in Space còn sử dụng trí tuệ nhân tạo để tạo ra các thuật toán có thể phát hiện nạn phá rừng trên các vùng đất rộng lớn mà không cần bất kỳ hiểu biết trực tiếp nào của con người. Mô hình tác động thấp này có nghĩa là các công ty tương đối nhỏ có thể giám sát nạn phá rừng ở quy mô rộng hơn nhiều. Bằng cách hợp tác với các công ty theo dõi vệ tinh, dữ liệu thu được có thể cho chúng ta cái nhìn toàn cảnh về nạn phá rừng từ không gian.
Thế giới cà phê bền vững là một hành trình dài và hiện nay Pun Coffee đang hết sức nổ lực trong việc hoạch định các vùng nguyên liệu của chúng tôi để góp phần ngăn chặn việc tàn phá rừng từ dự án đưa rừng về vườn cà phê.
Chịu trách nhiệm nội dung: Lương Ngọc Trâm
Hình ảnh Internet