Cây bản địa là gì? và nghịch lý của cây bản địa hiện nay

Chúng ta vẫn thường hay nói về khái niệm cây bản địa, nhưng thực sự hiểu thế nào là cây bản địa và giá trị lợi ích của cây bản địa trong việc thiết kế vườn rừng là gì thì mình nghĩ chắc một số bạn cũng còn mơ hồ. Trong quá trinh được sự hỗ trợ của tổ chức WWF trong việc phát triển vườn ươm Lá – ươm giống cây bản địa phục vụ việc phát triển vườn cà phê cảnh quan, đang dạng sinh học, làm việc cùng chú Quý cựu cán bộ Kiểm lâm Hướng Hoá cũ Pun hiểu rõ hơn về giá trị cây bản địa và một số nghịch lý lựa chọn cây bản địa hiện nay.

Dưới góc nhìn cách khoa học, thì “Cây bản địa là những loài cây phát triển và phân bố tự nhiên tại địa phương, bao gồm những loài cây nhập nội nhưng đã sống, thích nghi, và hòa nhập vào hệ sinh thái địa phương một thời gian dài. Đôi khi, cây bản địa là những loài cây được quy hóa trong nội bộ một quốc gia”

Giá trị lợi ích của cây bản địa trong vườn cà phê cảnh quan.

Khôi phục hệ sinh thái

Các vườn cà phê được áp dụng phát triển quy hoạch canh tác theo hướng mô hình cà phê cảnh quan góp phần lớn phục hồi hệ sinh thái địa phương, những nơi mà môi trường sống tự nhiên đã bị tàn phá do các hoạt động quy hoạch đô thị của con người. Bởi vì phần lớn các loài trong tự nhiên phải sống dựa vào cây cối, việc mở rộng nơi phân bố của thực vật bản địa giúp tạo nơi cư trú và cung cấp thực phẩm như trái cây, mật hoa, quả hạt, hạt cây cho các loài sinh vật ong bướm, chim chóc, và các động vật khác. Vì vậy mà mức độ đa dạng sinh học cho khu vực đó tăng lên đồng thời cũng lan tỏa ảnh hưởng tích cực này sang các khu vực xung quanh đó.

Pun Coffee là doanh nghiệp có trụ sở và vùng nguyên liệu nằm vành đai giữa 2 khu bảo tồn thiên nhiên Bắc Hướng Hóa và Đakrong. Việc phát triển vườn cà phê đa dạng sinh học nhằm góp phần khôi phục lại hệ sinh thái tự nhiên tại đây, tạo hành lang an toàn di tản cho các loại động vật bị xâm chiếm hoặc đe dọa giữa 2 khu bảo tồn.

Khả năng sinh trưởng mạnh mẽ

Các loài cây bản địa với đặc điểm sinh trưởng mạnh mẽ và phù hợp với thổ nhưỡng vùng miền, do đó, chúng có khả năng chống chọi tốt với các loại thời tiết khắc nghiệt ở địa phương đó cũng như dễ dàng sinh trưởng phát triển trở lại sau đó nên giúp tiết kiệm công sức thay mới cây trong trường hợp cây cũ bị chết.

Giúp tiết kiệm nước

Cũng nhờ vào sự quen thuộc với khí hậu và đất đai, các loài bản địa cần ít nước để duy trì sự sống nhờ vào khả năng giữ nước tốt hơn cũng như dễ thích nghi với lượng mưa ở địa phương đó. Điều này tiết kiệm một phần lớn chi phí tưới tiêu cũng như công sức chăm sóc cây cối. Một số loài cây bản địa có rễ dài bám sâu xuống lòng đất còn có giúp tăng khả năng giữ nước của đất một cách đáng kể, hạn chế lãng phí nước và góp phần giúp phòng chống lũ lụt vào mùa mưa bão.

Chống sâu bệnh

Cây bản địa còn có sức đề kháng tốt trước các loại sâu bệnh, mầm bệnh, nhờ đó mà chúng có thể tồn tại được mà không cần được phun thuốc trừ sâu và thuốc bảo vệ thực vậy. Việc hạn chế sử dụng thuốc trừ sâu và thuốc bảo vệ thực vật giúp tiết kiệm thời gian, tiền bạc, và quan trọng hơn hết là không gây ô nhiễm môi trường và tác động tiêu cực đến sự phát triển của các loài động thực vật xung quanh. Bên cạnh đó, chất lượng không khí được cải thiện nhờ hạn chế sử dụng máy cắt cỏ và ô nhiễm nguồn nước cũng được giảm thiểu do không cần sử dụng thuốc trừ sâu. Từ đó, con người sẽ có không gian sống lành mạnh hơn và nhờ đó mà sức khỏe cũng được nâng cao.

Khó gây trồng phát triển cây bản địa ?

Điều rất đáng được quan tâm là vốn cây bản địa hiện đang bị suy giảm nghiêm trọng cả về chủng loại và số lượng do các hoạt động phá rừng. Rừng lá rộng  đang ngày một thu hẹp và dần biến thành đồi trọc. Môi trường sống bị phá huỷ, các hệ sinh thái rừng bị đe doạ, các loài động thực vật rừng quý hiếm đang đứng trước nguy cơ bị tuyệt chủng. Việc phục hồi rừng bằng các loài cây bản địa đang trở thành một vấn đề cấp bách. Song có một nghịch lý khó giải quyết : gây trồng phát triển cây bản địa là một công việc rất khó khăn. Điều gì đã làm cho vấn đề trở nên phức tạp và khó giải quyết đến như thế? Và đây chính là những gì tụi mình chứng kiến trải qua, các loại cây bản địa được đưa vào trồng tỷ lệ chết rất cao, có những cây khi vượt qua giai đoạn thử thách đầu tiên thì đúng rằng chúng có khả năng sinh trưởng khá mạnh mẽ

 Các lý do về hiểu biết thiếu kiến thức:

Chúng ta còn thiếu nhiều hiểu biết sâu sắc về các hệ sinh thái rừng, các loài bản địa nói chung và đặc điểm riêng cho từng loài cụ thể như nhu cầu về đất đai, khí hậu, ánh sáng ở các giai đoạn khác nhau, mối liên hệ giữa các loài trong quần thể đa loài, khả năng tái sinh tự nhiên, khả năng gây trồng, vật hậu v.v. Với những lỗ hổng lớn về hiểu biết như vậy chắc chắn khó có thể phát triển cây bản địa trên diện rộng. Bản thân chính Pun tụi mình khi bắt tay thực hiện dự án “Mang rừng về vườn cà phê” chọn lựa cây trồng phù hợp trong vườn cà phê lại là cây bản địa không hề dễ gì nếu không có sự tham mưu từ các chuyên gia giàu kinh nghiệm như chú Quý.

Trồng rừng bằng cây bản địa

 Các lý do về nhận thức – tiếp cận thông tin:

Các nhà quản lý mong muốn nhanh chóng đưa nhanh các loài cây bản địa vào gây trồng đại trà nhằm đẩy nha kế hoạch phục hồi rừng, nhưng đối với các nhà sản xuất kinh doanh, khai thác là dễ hơn cả, còn trồng rừng với luân kỳ 50 năm (hoặc hơn nữa) là quá dài đối với họ, trong khi lãi suất ngân hàng cao, hiểm hoạ đối với loại rừng này lại lớn, vì vậy họ chỉ đầu tư vào các loài cây có luân kỳ ngắn (5-7 năm) nhanh chóng thu sản phẩm cho công nghiệp và xuất khẩu để sớm thu hồi vốn và có lãi. Ai sẽ là người đầu tư cho cây bản địa ? Rõ ràng Chính phủ phải là nhân tố chủ đạo, tuy nhiên các doanh nghiệp các đơn vị thậm chí khó khăn trong việc tiếp cận thông tin cơ sở về việc hỗ trợ vốn hoặc các quỹ tài chính để phát triển hoạt động trồng cây bản địa phi lợi nhuận.

Các lý do về kỹ thuật :

Cây bản địa quen sống trong một môi trường sống hoàn chỉnh, ít biến động nên có nhu cầu cao về đất và các yếu tố khác. Không thể đưa trồng ngay cây bản địa trên đất trống, đồi núi trọc khô cằn, trồng thuần loại tràn lan trên diện rộng. Do tuổi thọ dài, hiểu biết thiếu, kỹ thuật chưa đồng bộ nên khả năng thành rừng khi trồng cây bản địa thuần loại trên diện rộng là khó như trường hợp rừng mỡ (Manglietia glauca) và lát hoa (Chukrasia tabularis) cho gỗ lớn trong những năm vừa qua. Rừng trồng bồ đề (Styrax tonkinensis) rất thành công ở luân kỳ đầu song năng suất giảm dần ở các luân kỳ sau mà chưa có các biện pháp giải quyết thoả đáng. Ai cũng biết nghiên cứu cần phải đi trước một bước song đầu tư cho nghiên cứu các vấn đề này còn quá thấp.

 Các lý do về điều kiện tự nhiên kinh tế xã hội:

Vùng có nhu cầu lớn về trồng cây bản địa thường là vùng sâu vùng xa, đời sống của dân còn gặp nhiều khó khăn, giao thông yếu, điều kiện để tiếp thu kỹ thuật mới còn nhiều hạn chế. Quy hoạch đất rừng, bảo vệ rừng, đất cho trồng rừng, trồng rừng gì v.v. ở các địa phương còn chưa cụ thể. Người dân vẫn phá rừng lấy đất trồng cây công nghiệp và cây lương thực. Vốn cho trồng rừng thiếu, dân chưa muốn trồng rừng luân kỳ dài và rừng hiện còn khó bảo vệ. Một số nơi đã có đầu tư của Nhà nước cho trồng rừng cây bản địa song mức đầu tư còn thấp, trồng quảng canh, chưa tuân thủ các yêu cầu kỹ thuật.

Việc lựa chọn cây bản địa đưa vào trong chiến lược khôi phục rừng và đất rừng là chính sách đúng đắn của Nhà nước, tuy nhiên chọn lựa cây bản địa phù hợp, hiêu quả và tỷ lệ sống cao thì không phải ai cũng rõ, chính tụi mình đây trong những năm đầu tiên thực hiện Dự án Mang rừng về vườn, bản thâ tụi mình cũng gặp nhiều khó khăn tỷ lệ cây chết cao, phải tìm hiểu kỹ càng, và vận động sự tham gia của người dân đặc biệt đồng bào thiểu số Vân Kiều khu vực tụi mình sinh sống cùng tham gia thì những cây còn sống khả năng sinh trưởng cực mạnh mẽ.

Chịu trách nhiệm nội dung bài viết: Lương Thị Ngọc Trâm

Bài viết có sử dụng tư liệu từ Internet

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *