Các vùng trồng cà phê arabica tại Việt Nam

Việt Nam là quốc gia xuất khẩu cà phê thứ 2 trên thế giới, chúng ta có điều kiện tự nhiên phù hợp trồng cà phê bao gồm arabica và robusta. Với diện tích vùng trồng 500.000ha, chủ yếu là  cà phê robusta, phân bổ tập trung tại khu vực Tây Nguyên và arabica chiếm khoản 35.000ha, được phân bổ 3 vùng Bắc (Sơn La) – Trung (Quảng Trị, Huế) – Nam (Đà Lạt). Trong khuôn khổ bài viết này, Pun Coffee chia sẽ cùng bạn số thông tin thú vị về vùng trồng cà phê arabica Việt Nam.

Cà phê arbica là loại cà phê có giá trị kinh tế cao, nhờ có hương vị thơm ngon, nhẹ nhàng thanh tao. Arabica có nguồn gốc từ cao nguyên nhiệt đới Ethopia (Đông Phi), hiện nay Brazil và Columbia là hai nước xuất khẩu cà phê arabica lớn nhất thế giới.  Cà phê arabica được trồng chủ yếu độ cao 1000m trở lên so với mực nước biển, cây có tán lớn,lá màu xanh đậm, hình oval tựa giống lá chè tươi nên arabica còn gọi là cà phê chè. Hạt arabica dài to, rãnh giữa cong lượn, đây cũng là cách phân biệt sự khác nhau giữa arabica và robusta.

Đà Lạt – Lâm Đồng thiên đường cà phê arabica Việt Nam.

Khi nói đến arabica, nhiều tín đồ cà phê mặc nhiên đó là vùng cà phê arabica Cầu Đất, nhưng arabica Đà Lạt phân bổ ở các địa phương như Đơn Dương, Di Linh, Lâm Hà, Đức Trọng và một số vùng ven thành phố Đà Lạt. Với điều kiện tự nhiên vô cùng thuận lợi, độ cao 1.500m so với mực nước biển, nhiệt độ mát mẻ quanh năm. Biên độ nhiệt trong năm tại đây dao động từ 5 độ lạnh nhất và cao nhất cũng không vượt quá 33 độ C. Kết hợp với thổ nhưỡng là đất Bazan màu mỡ, Cầu Đất – Đà Lạt có được 3 điều kiện vàng để là vùng đất hoàn hảo cho Arabica. Các giống Arabica ngon nổi tiếng như: Typica, Bourbon và đặc biệt là Catimor với sản lượng rất cao. Mỗi hecta cà phê Chè thu được 10 – 18 tấn cà phê tươi, tương đương với 4 tấn cà phê nhân, sản lượng nhân cộng với giá cao hơn cà phê vối, giúp người trồng cà phê arabica có hiệu quả cao.

Arabica Sơn La – vùng trồng cà phê lạnh nhất

Sơn La – tỉnh được biết là vùng trồng cà phê Arabica lớn thứ 2 của Việt Nam sau Tỉnh Lâm Đồng. Cà phê được trồng từ những năm cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20. Miền Tây Bắc này có khí hậu lạnh do ảnh hưởng của gió mùa Đông Bắc, cùng với lượng mưa tương đối lớn và mùa khô không rõ rệt. Tuy nhiên, chính những khí hậu có phần khắc nghiệt ấy lại trở thành điều kiện lợi thế để cho cây cà phê Arabica phát triển và có hương vị cà phê rất riêng. Giữa những đồi cao nguyên hùng vĩ, trùng trùng điệp điệp với độ cao từ 900m – 1200m, cây cà phê lớn lên cùng với thiên nhiên hoang dại, thấm đẫm vị sương và hương rừng gió núi. Trải qua bao nhiêu năm tháng, Sơn La đã cho ra đời những hạt cà phê tuyệt hảo, rắn rỏi và đầy sức sống như thiên nhiên và con người nơi đây…

Vùng cà phê arabica Khe Sanh Quảng Trị vùng trồng arabica lớn nhất miền Trung Việt Nam.

Miền Trung vùng trông cà phê arabica nổi tiếng có  lẻ là arabica Khe Sanh, Khe Sanh trở thành một địa danh gắn liền với cây cà phê cách đây hơn 100 năm tại Quảng Trị, khi có các đồn điền do người Pháp lập ra. 

Khởi xướng cho cây cà phê Khe Sanh, có tài liệu cho rằng là Eugène Poilane – một quân nhân người Pháp, đồng thời là một nhà thực vật học, ông đến Việt Nam năm 1909 với danh nghĩa là công nhân pháo binh làm việc cho xưởng công binh hải quân. Sau đó nhà tự nhiên học Auguste Chevalier đã chỉ định Poilane làm thăm dò viên cho viện sinh vật học và Poilane trở thành đại diện cho dịch vụ quản lý rừng của Đông Dương năm 1922. Năm 1918, lần đầu Poilane đi xuyên qua khu vực sau này là làng Khe Sanh, do bị hấp dẫn bởi cây cối tươi tốt ở đây và nghĩ rằng đất đỏ thì phù hợp với cây cà phê, năm 1926 Poilane quay trở lại Khe Sanh và nhập những cây cà phê Chiari để trồng và lập nên đồn điền cà phê đầu tiên ở Khe Sanh (Theo Puriocafe). Các giống đầu tiên được trồng tại vùng đất này là: Cà phê chè (Arabica) Typyca, Bou bou (được trồng khảo nghiệm để nghiên cứu), và giống cà phê mít (Exelsa) là giống được trồng chính trên các đồn điền. Các giống cà phê Typica, bou bou sinh trưởng phát triển tốt, cho quả chất lượng cao nhưng dễ bị bệnh gỉ sắt phá hại nặng, nên không được tiếp tục phát triển, chỉ còn lại duy nhất là cà phê mít (Coffea Exelsa) được trồng trên các đồn điền của hai nhà tư sản (Tây Ba lá và Phi lip) với diện tích vài chục ha. Giai đoạn này trồng cà phê mang tính quảng canh, kỹ thuật canh tác đơn giản nên năng suất cà phê thấp. Phương pháp chế biến là phơi khô cả quả rồi bảo quản cất giữ.

   Năm 1978, Nông trường Cà phê Khe Sanh thành lập. Giống cà phê vối robusta được đưa vào và trồng tập trung với diện tích 17,2 ha, bước đầu đã cho năng suất, chất lượng tốt. Giống Caturra này không tồn tại được lâu vì năm được mùa có thể lên đến 10, 15 tấn quả tươi/ha nhưng sau đó liền kề là những năm mất mùa trắng. Nguyên nhân chính là do bệnh gỉ sắt hoành hành gây ra hiện tượng rụng lá khô cành toàn cây, việc đầu tư trong những năm tiếp theo thực sự không có hiệu quả. Năm 1990 các giống cà phê chè được đưa về trồng khảo nghiệm như (Catuoay, Catimor, 1602). Giống Catimor có đặc tính nổi trội về khả năng thích nghi với môi trường, khả năng chống chịu bệnh gỉ sắt, khả năng cho năng suất cao và tương đối ổn định, chất lượng tốt. Năm 1992, nông trường tiếp tục mở rộng diện tích trồng mới 11,30 ha cà phê chè catimor. Các năm kế tiếp diện tích cà vối, cà mít dần dần bị loại bỏ và thay thế bằng cây cà phê chè giống Catimor.

Trước đây cà phê Khe Sanh chất lượng kém vì bà con thường hái quả đang xanh chiếm tỷ lệ cao, mỗi lần thu hoạch về thường mang ngâm nước cho lợi về trọng lượng khi bán. Cách làm này không ít người vô tình làm cho cà phê Khe Sanh mất uy tín, và hầu như cà phê Khe Sanh lại bị đấu trộn dưới các thương hiệu khác và thương hiệu cà phê Khe Sanh mờ nhạt trên thị trường giao dịch cà phê Việt Nam.

Những năm trở lại đây, nhờ tập trung đầu tư làm cà phê chất lượng cao nên sản phẩm cà phê Khe Sanh có những bước chuyển mình rõ rệt khi tập trung phân khúc cà phê đặc sản, với đại diện Pun Coffee 2 lần vô địch cà phê đặc sản Việt Nam với điểm notes score từ 84 điểm trở lên với sự phong phú và đa dạng hương vị.

Như vậy,cũng là cà phê arabica nhưng vùng trồng điều kiện địa lý tự nhiên khác nhau, tạo ra những cung bậc hương vị cà phê khác nhau và góp phần định hình lại đính hướng chất lượng cà phê Việt Nam.

Bài viết và hình ảnh có sử dụng nguồn tổng hợp internet

Chịu trách nhiệm nội dung: Lương Ngọc Trâm

Pun Coffee – cà phê đặc sản Việt Nam từ Khe Sanh Quảng Trị

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *