Bệnh lở cổ rể trên cây cà phê

Phải thẳng thắn thừa nhận rằng, để có một tách cà phê ngon đến người dùng cuối cùng thì khâu trồng trọt, chăm sóc và thu hái cà phê vô cùng quan trọng. Trồng cà phê người nông dân gặp vô cùng điều kiện khó khăn như thời tiết: sương muối, mưa nhiều ngày cà phê ra hoa…và đặc biệt các loại bệnh hại cây cà phê. Trong những năm qua, tình hình phát sinh sâu bệnh trên cây cà phê đang diễn biến hết sức phức tạp, việc áp dụng các biện pháp phòng trừ sâu bệnh vẫn còn nhiều hạn chế, nhiều loại bệnh chưa có thuốc đặc trị, việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trên cây cà phê cũng có nhiều vấn đề đáng bàn…bắt đầu từ bài viết này Pun Coffee chia sẽ cùng bà con nông dân chuỗi bài viết các bệnh thường gặp trên cây cà phê.

Bệnh lở cổ rễ trên cây cà phê:

– Bệnh lỡ cổ rễ trên cây cà phê xuất hiện do nấm Rhizoctonia solani, Fusarium spp gây ra.
– Điều kiện phát sinh gây bệnh là do đất vườn ươm ẩm thấp và rơi vào tình trạng ngập úng. Bầu đất khi gieo ươm không đục lỗ thoát nước, bầu và các luống cây không khô thoáng…
– Đặc biệt, vào mùa mưa, đất ẩm không được xới xáo thường xuyên dẫn đến tình trạng cây bị ngập úng.
– Bệnh thường xuất hiện tại phần cổ rễ của những cây cà phê con trong vườn ươm hoặc những cây cà phê từ 1 – 3 năm tuổi. Tùy vào từng độ tuổi cây cà phê mà có dấu hiệu bệnh khác nhau.

+ Đối với bệnh trên cây cà phê ở vườn ươm:

– Khi bị nấm tấn công, phần cổ rễ của cây con xuất hiện vết chấm màu đen, rễ bắt đầu thối đen và teo lại khiến nước và chất dinh dưỡng từ mặt đất không thể được chuyển lên phần lá khiến lá bị héo và cây sẽ bị chết.

Để phòng trừ bệnh lở cổ rễ tại vườn ươm bà con cần chú ý các biện pháp canh tác sau:

– Không nên tưới nước quá nhiều, khiến cây bị ngập úng.

– Càng không nên che vườn ươm quá kỹ làm cho ánh sáng sẽ không đủ chiếu vào cây con làm mất độ thông thoáng cho toàn bộ cây bên trong. Tốt nhất nên để khoảng 40 – 50% lượng ánh sáng ngoài trời chiếu vào vườn cây bên trong vườn ươm.

– Nên kiểm tra vườn thường xuyên, nếu phát hiện bầu đất sét, bầu bị dí chặt hoặc không thoát nước thì nên chủ động xới xáo, bóp bầu để tạo độ thông thoáng cho bầu đất.

Nếu có cây bị bệnh thì tiến hành nhổ bỏ ngay những cây bị bệnh và đưa ra khỏi vườn để tiêu hủy.

+ Đối với bệnh trên cây cà phê giai đoạn từ 1 – 3 tuổi (giai đoạn KTCB):

Dấu hiệu của bệnh xuất hiện khi phần cổ rễ của cây bị khuyết dần vào bên trong, cây bắt đầu chậm sinh trưởng và có dấu hiệu bị vàng lá. Đây chính là biểu hiện của bộ rễ bị ảnh hưởng khiến nước và chất dinh dưỡng không thể được đưa lên ngọn khiến lá bị vàng. Nếu bà con trồng cà phê mà không phát hiện bệnh sớm và không có biện pháp phòng trừ kịp thời thì cây sẽ bị chết.

Bà con cần chú ý bệnh lở cổ rễ có thể lây lan qua các công đoạn như khi bà con làm cỏ, cuốc xới hoặc lây lan qua đường nước tưới, nước mưa giúp nấm xâm nhập vào bộ rễ.

Để phòng trừ bệnh lở cổ rễ giai đoạn này bà con cần chú ý các biện pháp canh tác sau:

– Trước khi trồng cần chọn loại đất có tầng canh tác dày, khả năng thoát nước tốt, mạch nước ngầm sâu trên 01 mét để trồng cà phê.

– Trong vườn/lô trồng cà phê bà con cần trồng cây chắn gió tạm thời cho vườn cây từ 1 – 3 năm tuổi. Cứ khoảng 2 – 3 hàng cây cà phê thì trồng một hàng cây chắn gió. Nếu có đầu tư, bà con nên kết hợp trồng cây choai sống để trồng tiêu vừa tạo thành hàng cây chắn gió vừa là hình thức trồng xen canh để tăng hiệu quả kinh tế trên đơn vị diện tích.

– Khi tiến hành trồng nên chọn lựa những cây con có đầy đủ tiêu chuẩn xuất vườn, cây sạch bệnh và có khả năng chống chịu cao.

– Hạn chế tạo vết thương lên phần gốc cây cà phê thông qua việc làm cỏ hay đánh chồi sát gốc để nấm không có nơi lây lan.

– Loại bỏ ngay những cây bị bệnh nặng ra xa khỏi vườn cây và tiêu hủy cẩn thận. Sau khi nhổ bỏ những cây bị bệnh ra khỏi vườn, bà con có thể xử lý hố bằng vôi với lượng 1kg/hố để trừ nấm bệnh và để phơi trong 15 ngày rồi mới tiến hành trồng lại.

Bệnh lở cổ rễ là một trong những bệnh hại nghiêm trọng ở cây cà phê từ 1 – 3 năm trồng, bệnh có thể phòng trừ nếu bà con phát hiện kịp thời nên bà con hãy lưu ý những triệu chứng của bệnh để bảo vệ vườn cây khỏi nấm bệnh và giúp vườn được phát triển tốt nhất. Và chúng ta cũng cần lựa chọn biện pháp xử lý bệnh một cách khoa học, an toàn hướng tới canh tác nông nghiệp cà phê bền vững.

Bài viết sử dụng tài liệu từ internet, có tính chất tham khảo và phương pháp điều trị mong bà con liên hệ với chi cục BVTV để được hướng dẫn cụ thể.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *