Đặc điểm sinh học cây cà phê arabica

 

ĐẶC ĐIỂM SINH HỌC CÂY CÀ PHÊ ARABICA ( CÀ PHÊ CHÈ)

Cà phê chè (Coffea arabica. L) có nguồn gốc từ Ethiopia và Kenya trên độ cao 1.300 – 1.800 m so với mặt nước biển, giữa 7 và 9 độ vĩ Bắc. Cây cà phê chè là cây tự thụ phấn, thuộc dạng thân bụi cao 3 – 4 m, thân bé, vỏ mỏng, ít chồi vượt, cành cơ bản nhỏ, yếu và có nhiều cành thứ cấp. Lá có màu xanh sáng, mọc đối, chiều dài lá 10 – 15 cm, rộng 4 – 6 cm, trên mỗi cuống lá có 9 – 12 hoa, bầu nhụy thường được thụ phấn trước khi hoa nở 1 – 2 giờ. Thời gian từ lúc nở hoa đến khi quả chín từ 6 – 8 tháng. Quả hình trứng thuôn dài, khi chín có màu đỏ hoặc vàng. Nhân màu xanh xám hoặc xám xanh, xanh lục, trọng lượng 100 nhân từ 13 – 18 g. Hàm lượng caffein trong nhân từ 1,8 – 2 %.

Hiện nay các giống cà phê chè được trồng chủ yếu là: giống Typica (Coffea arabica L.var. Typica); giống Bourbon (Coffea arabica L.var. Bourbon); giống Caturra (Coffea arabica L.var. Caturra); giống Catuai (Coffea arabica L.var. Catuai); giống Catimor (Coffea arabica L.var. Catimor). Đáng chú ý nhất là giống Catimor hiện nay là giống cà phê chè chủ lực được trồng rộng rãi ở Việt Nam trong đó có cà phê arabica Khe Sanh Quảng Trị.

1. Nhiệt độ

Nhiệt độ là một trong những yếu tố quan trọng nhất ảnh hưởng đến sự phát triển của cây cà phê. Cây cà phê thích hợp với khí hậu nhiệt đới và cận nhiệt đới, với nhiệt độ trung bình từ 15°C đến 24°C. Nhiệt độ quá cao có thể làm cây cà phê bị chết hoặc giảm sản lượng, trong khi nhiệt độ quá thấp cũng có thể làm ức chế quá trình sinh trưởng của cây.

Sự chênh lệch nhiệt độ ngày và đêm là một điểm quan trọng trong trồng cà phê. Biên độ nhiệt này càng cao thì sẽ cho ra các hạt cà phê thơm ngon, phẩm chất tốt. Lý giải cho điều này là vào ban ngày, nhiệt độ cao sẽ thúc đẩy quá trình quang hợp, tích lũy chất bên trong hạt. Đến khi đêm xuống, nhiệt độ thấp sẽ giúp hạn chế sự tiêu hao các chất dự trữ, giúp lưu giữ tốt hương vị hạt cà phê.

2. Ánh sáng

Cây cà phê cần ánh sáng đủ để phát triển và sản xuất quả. Cà phê thuộc nhóm cây công nghiệp ưa ánh sáng tán xạ. Ánh nắng mặt trời quá mạnh có thể gây cháy lá, chết cây. Trong một số trường hợp, việc trồng cây cà phê dưới bóng râm của các loại cây khác cũng có thể được áp dụng để bảo vệ cây khỏi cường độ ánh sáng mặt trời quá cao.

3. Gió

Gió tác động đến quá trình tung hạt phấn và thụ phấn ở cây cà phê. Gió nhẹ sẽ giúp quá trình này diễn ra thuận lợi, tăng hiệu quả đậu quả của cây. 

Tuy nhiên, điều kiện thực tế các vùng trồng cà phê ở nước ta thường có nắng gió khắc nghiệt. Mùa hè gió khô, độ ẩm không khí thấp; hoặc các mùa mưa bão gió lớn làm gãy cành, rụng quả; hoặc gió rét làm ức chế tốc độ tăng trưởng của cây.

Chính vì thế, việc làm hàng rào chắn gió ở các vùng trồng cà phê là rất quan trọng.

4. Nước và độ ẩm

Nước là một yếu tố quan trọng trong quá trình phát triển của cây cà phê. Cây cà phê cần lượng nước đủ để duy trì sự tươi tốt của lá và quá trình làm quả. Hàm lượng mưa trung bình trong năm cho sự phát triển của cà phê (chè) là từ 1200 – 1500 mm; sự phân bố lượng mưa phải trải đều từ giai đoạn nở hoa đến thu hoạch mới đem lại năng suất tốt nhất.

Bên cạnh đó, độ ẩm đất cũng rất quan trọng; đất quá ẩm có thể gây ra các vấn đề như ngập úng hoặc dễ bị vi khuẩn tấn công gây hại. 

Đối với việc tưới nước, cần phải duy trì một lịch trình tưới phù hợp để đảm bảo rằng cây không bị thiếu nước hoặc thừa nước.

5. Đất trồng cây cà phê

Đất trồng là môi trường chứa chất dinh dưỡng và là nơi để rễ cây bám vào cố định cây vững chắc. 

Cây cà phê thích hợp với đất có độ pH từ 6.0 đến 6.5. Song song đó, đất trồng cà phê cần có độ sâu thích hợp. Bởi đây là cây lâu năm, bộ rễ cây rất khỏe, ăn chặt vào nền đất, có thể đạt độ sâu tới 1m.

Cây cà phê phát triển trên nền đất tốt giúp sinh trưởng tốt và kéo dài tuổi thọ của cây. 

Đất trồng cần phải tơi xốp (50 – 60%) và có độ thoát nước tốt để rễ cây phát triển hệ thống lông hút và tránh tình trạng ngập úng ảnh hưởng đến sự phát triển của cây. 

Đất bazan là loại đất thích hợp trồng các cây lâu năm, trong đó có cà phê. Đất đỏ bazan có độ tơi xốp đến 60%, thoáng khí, khả năng thoát nước nhanh và giữ ẩm rất tốt. Bên cạnh đó, trong thành phần của đất đỏ bazan còn chứa một hàm lượng nhất định các nguyên tố trung – vi lượng thích hợp cho quá trình phát triển của cây cà phê.

Ngoài ra, việc bổ sung phân bón và chất dinh dưỡng cần thiết cũng là một phần quan trọng trong việc duy trì sức khỏe của cây cà phê.

Trên đây là một số yếu tố quan trọng cần xem xét khi canh tác cây cà phê. Việc đảm bảo các điều kiện sinh thái phù hợp sẽ giúp cây cà phê phát triển tốt và cho quả có chất lượng cao. Đồng thời, việc canh tác cà phê gắn với phát triển bền vững cũng là một phần quan trọng trong việc duy trì nguồn cung cấp cà phê ổn định trong tương lai.

Nguồn bài viết: Internet

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *